Tìm hiểu về Bánh chưng hay bánh trưng từ nào đúng chính tả là chủ đề trong bài viết hôm nay của Tannam.com.vn. Mấy ngày qua, mạng xã hội lại xuất hiện những tranh cãi xung quanh tên gọi bánh chưng hay bánh trưng, món bánh truyền thống đã mấy ngàn năm của người Việt. Một số người viện dẫn cả những chữ nôm viết bánh chưng mượn âm Hán Việt là trưng để khẳng định tên bánh phải đọc là trưng. Thực sự có đúng như vậy?
Thực tế trong các từ điển chữ Nôm phổ biến, chữ chưng được biến tấu thể hiện khá nhiều, thông dụng nhất là chữ chưng mượn đúng âm từ Hán Việt là chưng烝, và mượn âm chữ trưng 徵 đọc trại thành chưng 徵. Điều này liên can đến phương ngữ một số địa phương ở Bắc Bộ, hay nhầm lẫn giữa âm tr và âm ch trong phát âm. Do đó, việc nhầm lẫn giữa hai từ chưng và trưng là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, qua nhiều bài viết đã từng có, thì bánh chưng cần được viết rõ âm đọc ch chứ không dùng âm tr, bởi 2 lý do.
Thứ nhất, chữ chưng 烝 trong Hán Việt nghĩa là đun nấu. Đây là dạng chữ hội ý của chữ Hán, vẽ hình một vật dụng được đặt trên lửa, trong chứa nước và nấu bốc hơi lên. Để làm rõ hơn, chữ chưng còn được viết thêm bộ thảo nghĩa là cỏ, giảng nghĩa nấu cỏ trong vật dụng có nước, gọi là chưng 蒸.
Người Việt đã dùng 2 chữ chưng này để chỉ bánh chưng, loại bánh được nấu chín trong nồi hấp nhiều giờ, viết âm Nôm là bánh chưng 𩛄 烝.
Đối với chữ chưng 徵 dùng chữ Hán là trưng 徵, nghĩa Nôm được giảng là khoe bày, ví dụ từ chưng diện徵面, rất hay được đọc là trưng diện. Nghĩa nôm chưng vì徵 為, chưng hay徵 咍, cũng dùng theo chữ trưng đọc trại sang. Khi dùng chữ chưng này để chỉ bánh chưng 𩛄 徵, sẽ dễ bị đọc nhầm thành bánh trưng.
Thứ hai, âm ch theo các nghiên cứu, đã được định vị có trong tiếng Việt từ mấy ngàn năm qua. Còn âm tr, theo nhà nghiên cứu Phan Anh Dũng (Huế) thì mãi đến từ điển Việt – Bồ – La gần đây, vẫn còn ghi nhận dạng thể hiện tl hay bl; ví dụ con trâu vẫn ghi là con tlâu, nên không thể xuất hiện từ thời Hùng Vương được. Do đó, đọc bánh chưng là đúng phát âm đã có từ xưa, còn đọc bánh trưng thực sự gần với phương ngữ cận đại hơn.
Nhà nghiên cứu cũng nhìn nhận, trong ngôn ngữ cha ông cũng có từ trưng, ví dụ Trưng Trắc, Trưng Nhị, nên nhiều người dễ nhầm tưởng chữ tr là có từ lâu. Song thực tế, các chữ Trưng này, dùng từ đọc thuần âm Hán Việt là chính, ghi âm đọc tiếng người Mường là tlưng thì chính xác hơn là trưng. Đã có một số nghiên cứu cho thấy, tên gọi hai bà Trưng thực chất theo tập tục dân gian, theo nghề nuôi tằm có trứng chắc (trứng đầu tiên), trứng nhị (trứng thứ hai), tiếng Mường đọc là tlứng. Cho nên, đọc âm trưng ở đây là theo âm Hán Việt chứ không phải từ nôm như một số người hiểu, và từ bánh trưng viết trong trường hợp này cần đọc là bánh chưng.
Như thế, tên gọi bánh chưng, là đã được định vị từ lâu trong ngôn ngữ Việt Nam từ xưa, và loại bánh truyền thống này, bao đời qua vẫn tồn tại trên bàn thờ người Việt ngày Tết, là loại bánh hoàn toàn thuần Việt, do tổ tiên người Việt tạo ra và gọi rõ ràng là bánh chưng, hoàn toàn không mượn âm đọc từ chữ Hán là trưng như một số người nhầm tưởng.